Sự nghiệp Đặng Thị Khuê

Mở đầu sự nghiệp

Đặng Thị Khuê sớm có những tác phẩm hội họa chủ yếu là chất liệu sơn dầu về các đề tài chiến tranh Việt Nam và đời sống xã hội, đồng thời bà cũng sáng tác nhiều tranh cổ động trong chiến tranh và xây dựng.[4][5] Trong đó bức tranh cổ động tuyên truyền các mục tiêu về kinh tế mang tên "Vựa thóc, kho thịt, biển cá, rừng cây" đã có tác động tinh thần đáng kể đến nhân dân và Đảng ủy tỉnh Vĩnh Phúc.[6] Trong thời gian công tác tại Ty Văn hóa – thông tin tỉnh Phú Thọ, những đồng nghiệp nữ của bà bị quấy rối tình dục. Tin tưởng bà, họ đã gửi đơn tố cáo thông qua Đặng Thị Khuê nhưng tới lúc thanh tra cấp trên xuống làm việc, tất cả các chứng cứ đã bị xóa.[3] Tuy vậy Đặng Thị Khuê đã tỏ ra "bình tĩnh và kiên quyết trình bày các sự việc". Sau cùng, đoàn thanh tra đã đồng thuận với những lời trần thuật của bà và người quấy rối tình dục đã phải chịu bản án kỷ luật.[3]

Đặng Thị Khuê tiếp tục tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Đông Dương năm 1976, năm 1978 bà được cử tới làm việc tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi công tác mà sau bà trở thành Thường vụ Ban Chấp hành, Trưởng ban sáng tác kiêm Chánh Văn phòng Hội. Trong thời gian này, tác phẩm của bà trong triển lãm toàn quốc Việt Nam năm 1980 bị quy kết là trái với "phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa", mang màu sắc "trừu tượng" (với hàm ý là sáng tác theo phương pháp "tư bản").[3] Bà tiếp tục phải một mình đối diện những quy kết này trong một cuộc họp của Bộ Văn hóa. Cuối cùng, Đặng Thị Khuê đã đứng lên bảo vệ tác phẩm thành công.[3] Tác phẩm này về sau đã được chấm giải hạng nhất cùng một số tác giả khác.[3]

Tham gia công tác xã hội và bắt đầu nghệ thuật sắp đặt

Từ thập niên 1980, bà đã dành nhiều thời gian nghiên cứu đời sống của các sắc tộc và ý tưởng về cội nguồn của con người, những vấn đề này đã được bà vẽ thành những tác phẩm hội họa phối hợp giữa hình thể con người bản nguyên và văn hóa.[4] Nghệ thuật sắp đặt cùng với Nghệ thuật Trình diễn và Video Art, nòng cốt của nghệ thuật Đương đại trên thế mới được du nhập vào Việt Nam vào những năm 1990. Tuy vậy, Đặng Thị Khuê đã có những thực nghiệm tạo hình tổng hợp được thực hành từ nhiều năm trước trong hướng tìm về những phẩm chất đặc trưng của thẩm mỹ bản địa Việt Nam.[4] Cũng theo một nghiên cứu từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đặng Thị Khuê đến với nghệ thuật sắp đặt từ khi chưa biết đến tên gọi của nghệ thuật này nhờ sở thích sử dụng nhiều chất liệu, nhiều hình thức và thể loại nghệ thuật cùng lúc trong một tác phẩm.[7] Bà công bố triển lãm sắp đặt đầu tiên tại Mỹ năm 1998.[4]

Trong thời kì Đổi Mới, Đặng Thị Khuê làm thư ký và đã lãnh đạo Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam trở thành địa điểm thu hút những tác giả hàng đầu của mỹ thuật cả nước từ năm 1984 tới 1989, xây dựng thành công sự nghiệp Đổi Mới trong mỹ thuật và gây được sự ảnh hưởng lâu dài. Bà cũng là đại diện duy nhất của Mỹ thuật Việt Nam thời điểm đó làm Đại biểu Quốc hội khóa VII.[3]

Tổ chức triển lãm

Đầu năm 2001, Đặng Thị Khuê tham gia trình bày tác phẩm của mình tại triển lãm "Quan hệ nhân quả" cùng 2 nữ nghệ sĩ khác là Debra Porcho đến từ Úc và Veronika Radulovic đến từ Đức. Họ trưng bày những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại Viện Goethe.[8] Năm 2003, sau vài năm tạm dừng việc sáng tác, ngày 18 tháng 5, bà tổ chức triển lãm sắp đặt "Quá khứ trong hiện tại" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nhiều tác phẩm tại triển lãm này từng được giới thiệu tại Mỹ vào năm 1998.[9] Bà tiếp tục có một triển lãm cùng năm tại Thụy Điển.[4] Năm 2005, Đặng Thị Khuê cùng 27 tác giả của nhiều thế hệ tại Việt Nam tham gia một triển lãm mỹ thuật đương đại tổ chức tại Hội An, Quảng Nam do họa sĩ Lương Xuân Đoàn tổ chức.[10] Năm 2007, bà có một buổi Trưng bày tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường năm 2007, một buổi trưng bày tại Ý năm 2012 và một vài nơi khác.[4]

Năm 2014, bà có một buổi Triển lãm mang tên "Nhận diện và kết nối" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đặng Thị Khuê giới thiệu tới công chúng 7 tác phẩm sắp đặt gắn liền với Tây Nguyên, nơi mà bà coi là "một cội nguồn bản nguyên".[4][11] Ở tuổi 70, bà vẫn tiếp tục công việc sáng tạo trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật tạo hình như công việc đạo diễn triển lãm sắp đặt "Mỗi làng một sản phẩm – OVOP Việt Nam" tháng 12 năm 2016 trước tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.[3]

Năm 2019, Đặng Thị Khuê tham gia hợp tác xã Vụn Art ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông và giúp đỡ người khuyết tật học và thực hành ghép tranh vải.[12] Thời gian đầu, bà dự định chỉ hỗ trợ Vụn Art một thời gian ngắn trong sự định hướng và những kỹ năng cơ bản, nhưng rồi Đặng Thị Khuê đã ở lại lâu dài.[13][14] Thậm chí, bà đã rủ thêm cả con gái và đồng nghiệp cũ cùng đến làm việc.[15] Cũng trong năm 2019, sau 35 năm kể từ triển lãm Bùi Xuân Phái đầu tiên, một buổi triển lãm tác phẩm thứ hai của ông đã được tổ chức với một trải nghiệm nghệ thuật mới như việc ứng dụng các công nghệ đa dạng, gồm cả trí tuệ nhân tạo kích thích các giác quan của người xem. Đặng Thị Khuê là một trong những họa sĩ đã song hành với danh họa Bùi Xuân Phái trong nhiều năm. Bà cũng là người tổ chức triển lãm đầu tiên của Bùi Xuân Phái năm 1984.[16][17]

Năm 2020, bức tranh sơn dầu vẽ năm 1980 "Giặc Mỹ" của Đặng Thị Khuê được giới thiệu trong chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình về đề tài chiến tranh Việt Nam được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trên website và fanpage của Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Thống nhất (30 tháng 4 năm 1975).[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đặng Thị Khuê http://baovanhoa.vn/am-thuc/artmid/2071/articleid/... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/307823/trao... http://dlib.huc.edu.vn/bitstream/123456789/976/1/N... http://ape.gov.vn/trien-lam-nhan-dien-va-ket-noi-c... http://vanhoanghethuat.vn/dac-tinh-a-dong-trong-mo... https://vnexpress.net/dang-thi-khue-ban-chat-nghe-... https://vnexpress.net/hom-nay-khai-mac-trien-lam-3... https://web.archive.org/web/20141231074847/http://... https://web.archive.org/web/20230120132447/https:/... https://web.archive.org/web/20230120132449/https:/...